Bấm vào hình để xem kích thước thật

Cập nhật về việc bổ sung vitamin D

Ngày đăng:  07/01/2011

 
Lượt xem: 10054

Ước tính có khoảng 1 tỷ người trên thế giới ở mọi sắc tộc và nhóm tuổi bị thiếu vitamin D, tập trung hầu hết ở những người ít phơi nắng do khí hậu, cách sống, và lo ngại ung thư da. Chế độ ăn tham khảo (DRI) năm 1997 lần đầu tiên được thiết lập để phòng ngừa còi xương và nhuyễn xương, được quan tâm ở mức thấp bởi nhiều chuyên gia. Trị số DRI là 200 IU cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn dưới 50 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, 400 IU cho người lớn từ 50 đến 70 tuổi, và 600 IU cho người trên 60 tuổi. Các nghiên cứu hiện nay đề nghị rằng chúng ta cần nhiều vitamin D hơn thế nữa để ngăn ngừa bệnh mãn tính. Nổi lên các nghiên cứu củng cố vai trò có thể có của vitamin D trong bảo vệ chống ung thư, bệnh tim, gãy xương và té ngã, các bệnh tự miễn, cúm, tiểu đường type 2, và trầm cảm. Nhiều nhà chăm sóc sức khỏe đã tăng việc khuyến cáo bổ sung vitamin D đến ít nhất 1000 IU.

Dược lý

Vitamin D là một vitamin tan trong dầu tác dụng như một hormon steroid. Cơ thể tổng hợp vitamin D từ cholesterol dưới tác dụng của tia tử ngoại B lên da. Các yếu tố màu da, tuổi, thời lượng phơi nắng, vị trí địa lý ảnh hưởng tới việc tổng hợp lượng vitamin D. Vitamin D tác dụng lên xương, ruột, hệ miễn dịch và hệ tim mạch, tụy, cơ, não, và sự điều khiển chu trình tế bào. Chức năng chủ yếu là duy trì nồng độ calci và phospho trong máu và giúp xương khỏe mạnh.

Vitamin D trải qua hai quá trình hydroxy hóa trong cơ thể để thành dạng có hoạt tính. Calcitriol (1,25-dihydroxyvitamin D3), dạng hoạt hóa của vitamin D, có thời gian bán thải khoảng 15 giờ, trong khi calcidiol (25-hydroxyvitamin D3) có thời gian bán thải 15 ngày.

Sự thiếu hụt, nồng độ trong máu, và độc tính

Còi xương và nhuyễn xương là bệnh được biết nhiều nhất của sự thiếu vitamin D trầm trọng. Đau cơ xương và bệnh nha chu cũng có thể là dấu hiệu thiếu vitamin D đáng kể. Các triêu chứng khó thấy khi thiếu vitamin D nhẹ bao gồm mất sự ngon miệng, tiêu chảy, mất ngủ, có vấn đề về thị giác, miệng và cổ họng nóng phừng. Nồng độ calcidiol máu là một thử nghiệm tiêu chuẩn về tình trạng vitamin D, vì calcidiol có thời gian bán thải dài.

Nồng độ vitamin D bình thường từ 30 tới 74 ng/mL. Tác dụng phụ hoặc độc tính xảy ra khi nồng độ trong máu đạt 88 ng/mL hoặc hơn. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, táo bón, nhức đầu, buồn ngủ, và suy nhược. Quá nhiều vitamin D có thể tăng nồng độ calci trong máu, độc tính cấp dẫn đến chứng tăng calci huyết và tăng calci niệu.

Ngăn ngừa bệnh

Ung thư

Vitamin D làm giảm tăng sinh tế bào và tăng biệt hóa tế bào, làm ngừng sự phát triển mạch máu mới, và có tác dụng kháng viêm đáng kể. Nhiều nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ giữa mức vitamin D thấp và sự tăng nguy cơ ung thư, bằng chứng mạnh mẽ nhất là với ung thư trực tràng.

Bệnh tim

Nhiều nghiên cứu cung cấp bằng chứng về tác dụng bảo vệ của vitamin D trên tim thông qua hệ renin-angiotensin, sự tiêu viêm, hoặc tác động trực tiếp lên tim và thành mạch.

Gãy xương và té ngã

Vitamin D giúp cơ thể hấp thu calci, đóng vai trò trong độ khỏe của xương. Ngoài ra, các thụ thể vitamin D được đặt ở các sợi cơ co giật nhanh, là cái đáp ứng đầu tiên khi té ngã. Người ta lý luận rằng vitamin D có thể tăng độ dài cơ, bằng cách ấy ngăn ngừa sự té ngã. Nhiều nghiên cứu cho thấy có liên hệ giữa nồng độ thấp vitamin D và sự gia tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi.

Các bệnh tự miễn và cảm cúm

Vì vitamin D có vai trò trong điều hòa hệ miễn dịch và tác dụng kháng viêm mạnh, người ta lý luận rằng sự thiếu vitamin D có thể góp phần vào các bệnh tự miễn như đa xơ xứng (MS), đái tháo đường type 1, viêm thấp khớp, và bệnh tuyến giáp tự miễn. Các nhà khoa học cho rằng sự thiếu vitamin D trong các tháng mùa đông có thể là tác nhân kích thích theo mùa gây ra dịch cúm. Nhiều thử nghiệm đã đánh giá sự liên hệ giữa vitamin D và các bệnh hệ miễn dịch.

Tiểu đường type 2 và trầm cảm

Một số nghiên cứu cho thấy vitamin D có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường type 2, nhưng một ít nghiên cứu khảo sát tác dụng của vitamin D trên bệnh trầm cảm.

Liều dùng

Chỉ có một ít thực phẩm là nguồn cung cấp tốt vitamin D, bao gồm thực phẩm từ sữa, ngũ cốc, dầu cá, gan bò, lòng đỏ trứng. Bên cạnh việc tăng phơi nắng, cách tốt nhất để lấy thêm vitamin D là nên dùng vitamin D bổ sung. Các loại multivitamin truyền thống chứa khoảng 400 IU vitamin D, nhưng nhiều multivitamin hiện nay chứa 800 đến 1000 IU. Có nhiều lựa chọn, bao gồm viên nang, viên nhai, chất lỏng, nhỏ giọt. Dầu gan cá tuyết là một nguồn vitamin D tốt, nhưng khi dùng liều lớn có nguy cơ ngộ độc vitamin A.

Hai dạng vitamin D được sử dụng là D2 (ergocalciferol) và D3 (cholecalciferol). D3 là dạng được ưa chuộng hơn, vì cấu trúc tương tự dạng vitamin D được tạo bởi cơ thể và hiệu quả hơn vitamin D2 trong việc tăng nồng độ vitamin D trong máu. Nên dùng vitmin D với bữa ăn chứa chất béo vì nó tan trong dầu. Nói chung, 100 IU vitamin D hằng ngày có thể tăng nồng độ trong máu 1 ng/mL sau 2-3 tháng. Khi đã đạt được nồng độ  mong muốn, người ta có thể duy trì từ 800 đến 1000 IU vitamin D hằng ngày.  Thậm chí liều dùng đến 10000 IU hằng ngày không gây ra độc tính, nhưng nhìn chung, không khuyến cáo dùng hơn 2000 IU dạng bổ sung hằng ngày mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các cá nhân có nguy cơ thiếu hụt cao nên làm xét nghiệm vitamin D máu trước, có thể cần đến liều 3000-4000 IU để phục hồi nồng độ trong máu.

Tương tác thuốc

Corticoids có thể giảm hấp thu và chuyển hóa vitamin D. Vì vitamin D là chất tan trong dầu, orlistat và cholestyramine có thể làm giảm hấp thu vitamin D, nên uống cách thuốc này nhiều giờ. Phenobarbital và phenytoin làm tăng chuyển hóa vitamin D ở gan thành dạng không hoạt tính, và làm giảm hấp thu calci, điều này cũng làm giảm chuyển hóa vitamin D.

Kết luận

Số người thiếu vitamin D tiếp tục tăng, tầm quan trọng của hormone này đối với sức khỏe toàn diện và tác dụng phòng ngừa các bệnh mãn tính đang là nghiên cứu hàng đầu. Bằng chứng mạnh nhất về vai trò của vitamin D trong ngăn ngừa ung thư đến từ các nghiên cứu ung thư trực tràng. Bằng chứng về vai trò của vitamin D trong phòng ngừa gãy xương và té ngã cũng khá mạnh. Ở thời điểm này, cần có các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá vai trò của vitamin D trong ngừa ung thư, các bệnh tự miễn, cảm cúm, đái tháo đường, và trầm cảm.

Nguồn: http://www.medscape.com/viewarticle/731722

Đăng bởi: DS Quang Ánh Nguyệt

[Trở về]

Các tin khác