Bấm vào hình để xem kích thước thật

U trung thất chèn ép tủy sống

Ngày đăng:  30/05/2011

 
Lượt xem: 9731

Các bác sĩ khoa ngoại bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng phối hợp với bệnh viện CTCH, BV Đại học Y Dược đã phẫu thuật thành công 1 trường hợp u to trong trung thất (lồng ngực) ăn lan vào tủy sống phức tạp. Bé T.A.D, 9 tuổi, được chuyển viện từ Cà Mau vì liệt 2 chi dưới nghi do bệnh lý chèn ép tủy sống. Theo lời người nhà thì bệnh bé khởi phát cách đây khoảng 5 năm, lúc đó vùng lưng của bé xuất hiện 1 khối u nhỏ bằng đầu ngón tay và bé đã được phẫu thuật cắt khối u này tại địa phương.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật 1 thời gian, khối u vẫn tái phát mọc lại, đồng thời bé đi yếu dần rồi liệt hoàn toàn 2 chi dưới. Do gia cảnh khó khăn, không có điều kiện đưa bé đến bệnh viện, người nhà chỉ chạy chữa các loại thuốc nam, thuốc bắc. Hậu quả là khi đến bệnh viện Nhi Đồng 2 thì tình trạng của bé đã khá nặng nề: gù cột sống, liệt hoàn toàn 2 chi dưới, mất cảm giác từ vùng đùi trở xuống và không kiểm soát được việc tiểu tiện. Bé đã được thăm khám và chụp MRI(cộng hưởng từ) phát hiện có khối u rất lớn trong trung thất ăn lan vào trong lòng cột sống và chèn ép toàn bộ tủy sống đoạn ngực; khối u đồng thời cũng ăn lan ra sau tạo thành 1 khối to ở lưng. Các bác bác sĩ đã hội chẩn liên bệnh viện đánh giá đây là 1 trường hợp u trung thất ăn lan chèn ép tủy phức tạp và phải phẫu thuật càng sớm càng tốt, tránh trường hợp khối u tiếp tực phát triển lan ra chèn ép tủy cổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ca mổ đã được tiến hành khẩn trương 1 tuần sau đó và kéo dài 6 tiếng. Các bác sĩ của ba bệnh viện đã bóc  toàn bộ khối u trong lòng tủy từ đốt sống ngực 1 –ngực 8, sau đó tiếp tục cắt phần u trong lòng ngực và bắt ốc cố định lại cột sống bằng 2 thanh ti dọc cột sống. Kết quả của cuộc mổ là 3 khối u có kích thước 9x8x3cm trong lòng ngực, 8x3x2cm trong lòng cột sống và 7x6x4cm ở da vùng lưng đã được bóc tách lấy ra trọn vẹn. Hiện bé đã tạm ổn định, ăn uống tốt, có cảm giác lại từ vùng gối trở lên. Bác sĩ Đặng Xuân Vinh, 1 trong phẫu thuật viên chính,  cho biết do quá trình chèn ép tủy quá lâu nên khả năng hồi phục vận động cho 2 chi dưới của bé là rất mong manh, hiện giờ bé hồi phục được 1 phần cảm giác cũng đã là 1 kết quả đáng khích lệ. Bác sĩ cho biết thêm đây là 1 ca mổ phức tạp liên quan đến nhiều chuyên khoa và đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ BS Vũ Viết Chính (khoa cột sống nhi BV CTCH), BS Đặng Đổ Thanh Cần (BV ĐHYD), BS Trương Đình Khải (bộ môn ngoại nhi). Nhờ sự phối hợp liên chuyên khoa này ca phẫu thuật mới đạt kết quả thành công như vậy. Ông cũng lưu ý thêm các trường hợp u bướu ở vùng lưng trẻ nhỏ mà có triệu chứng yếu liệt thì bắt buộc phải được tầm soát 1 cách kĩ lưỡng tại bệnh viện để tránh các hậu quả muộn đáng tiếc xảy ra.

Hình ảnh khối u trong lồng ngực trên MRI

 

Đăng bởi: BS Trương Anh Mậu, BV Nhi Đồng 2

[Trở về]

Các tin khác