Các bậc phụ huynh thận trọng khi sử dụng thuốc
Ngày đăng: 01/11/2009
Lượt xem: 8079
Thời gian gần đây, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Thuốc của Hoa kỳ (FDA) liên tục cảnh báo về các tác dụng không mong muốn, cũng như nhiều hậu quả có hại gây ra do các dược phẩm hoặc do tương tác giữa các dược phẩm vì phối hợp không đúng cách.
Chẳng hạn như vào tháng 12/2008, FDA đã cảnh báo nguy cơ bị viêm ruột giả mạc gây ra do sử dụng Cefdinir (là kháng sinh nhóm Cephalosporine – có tên thương mại là Omnicef do công ty dược phẩm Abbott sản xuất). Việc sử dụng kháng sinh này (kể cả những kháng sinh khác) không đúng chỉ định hoặc bừa bãi sẽ gây phá hủy hệ thống vi khuẩn thường trú ở ruột (là những vi khuẩn cộng sinh ở ruột) dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile. Vi khuẩn này phóng thích các độc tố A và B gây góp phần gây viêm ruột giả mạc.
Hay như vào tháng 1/2009, FDA cảnh báo việc sử dụng quá liều không chú ý Hydrocodone bitartrate (tên thương mại là Hycodan do công ty dược phẩm Endo Pharmaceuticals – Inc sản xuất, là loại thuốc ức chế ho) ở trẻ nhỏ đã gây viêm phế quản phổi, ức chế hô hấp, khó thở, suy hô hấp, tím tái, hôn mê và tử vong. Ở bệnh nhi khoa cũng như ở người lớn, trung tâm hô hấp rất nhạy cảm với tác động ức chế của các thuốc ức chế ho dạng thuốc phiện phụ thuộc với liều lượng, do đó nên cần thận trọng khi dùng thuốc hydrocodone cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống.
Hoặc giả như vào tháng 2/2009, FDA đã công bố các dữ liệu từ các nghiên cứu dược động học chứng minh Ranitidine dạng uống làm gia tăng đáng kể tác dụng của Midazolam. Được biết Ranitidine là chất đối kháng thụ thể histamine H2, dùng để điều trị loét dạ dày tá tràng và viêm thực quản bào mòn do acid, điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và tình trạng tăng tiết acid quá mức như trong hội chứng Zollinger-Ellison. Còn Midazolam là dẫn xuất benzodiazepine có thời gian tác dụng ngắn, tác dụng gây an thần, chống lo âu, chống co giật và dãn cơ. Do đó khi sử dụng đồng thời 2 thuốc này sẽ làm gia tăng tác dụng an thần của Midazolam sẽ dẫn đến nhiều tác động có hại.
Vào tháng 4-2009 vừa qua, FDA cũng thông báo thông tin cập nhật về tương tác giữa ceftriaxone và những sản phẩm có chứa calcium dựa trên những ca tử vong ở trẻ sơ sinh do sử dụng chung những thuốc có chứa calcium và ceftriaxone. FDA khuyến cáo chống chỉ định dùng đồng thời ceftriaxone và các sản phẩm có chứa calcium truyền tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh. Ở bệnh nhân >28 ngày tuổi, ceftriaxone có thể được dùng sau khi dùng các sản phẩm có chứa calcium với điều kiện dây truyền dịch không dính các sản phẩm có chứa calcium.
Theo các kết quả của nghiên cứu đăng trên bản online của BMJ vào tháng 7/2009, các nhà nghiên cứu Hà Lan cho rằng việc sử dụng kháng sinh lặp lại nhiều lần để điều trị nhiễm trùng tai ở trẻ em sẽ làm tăng nguy cơ tái nhiểm trùng tai lên 20%. Các tác giả nhận thấy Kháng sinh có thể làm giảm thời gian và mức độ nặng của nhiễm trùng tai lần đầu, nhưng có thể làm tăng số lượng bệnh nhân tái nhiễm trùng và đề kháng kháng sinh. Vì lẽ này, nên có sự cẩn trọng trong việc dùng kháng sinh ở trẻ em nhiễm trùng tai. Và còn rất nhiều cảnh báo của FDA về tác dụng không muốn, có hại của việc sử dụng dược phẩm không đúng chỉ định, không đúng cách,..
Chưa ở đâu trên Thế giới giống như ở Việt nam, việc mua dược phẩm có thể dễ dàng như mua mỹ phẩm. Người bệnh hay phụ huynh có thể ra Nhà Thuốc Tây mua thuốc tự trị bệnh cho con em mình mà không cần toa của Thầy thuốc. Hoặc giả có thể khai bệnh và nhân viên bán thuốc có thể bán thuốc mà không cần khám qua bệnh nhân.
Thuốc giúp trị khỏi bệnh, đồng thời cũng là độc chất nếu không biết cách sử dụng đúng liều, đúng chỉ định (kể cả thuốc bổ như các Vitamin).
Việc phối hợp các thuốc cũng cần phải hết sức thận trọng vì có khi nếu dùng một loại thuốc thì nó có tác dụng tốt, nhưng khi phối hợp hai loại thuốc có tác dụng đối kháng nhau thì nó làm giảm tác dụng của cả hai, hoặc thuốc này ức chế đào thãi của thuốc kia gây tăng nồng độ của thuốc bị ức chế đào thãi dẫn đến gia tăng tác dụng phụ, đôi khi ngộ độc thuốc, hoặc đôi khi hai thuốc pha chung với nhau, phản ứng gây kết tủa làm tắc mạch khi tiêm tĩnh mạch, hay việc sử dụng kháng sinh bừa bãi không đúng chỉ định sẽ tạo các chủng vi khuẩn lời thuốc…
Tóm lại, các bậc phụ huynh hãy thận trọng khi tự ý sử dụng thuốc cho con em mình. Khi các cháu bị bệnh, cần phải được các thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán đúng bệnh và được cho toa hợp lý để có thể tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đăng bởi: BS.CKII.TRỊNH HỮU TÙNG - P. TRƯỞNG PHÒNG KHTH
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021