Dị vật thực quản bị bỏ quên dài 4 cm
Ngày đăng: 24/04/2012
Lượt xem: 11150
Bé P -10 tuổi, nhà ở Q.10 nhập viện vì hay ói khi ăn, sụt cân nhiều. Khai thác bệnh sử, 3 tháng nay, bé ăn kém, ói khi ăn thức ăn đặc, lợn cợn, chỉ uống được ít sữa, sụt 8 kg trong vòng 3 tháng. Tiền căn ghi nhận bé mắc bệnh tự kỷ, chậm phát triển tâm thần, người nhà cũng không rõ bé có nuốt vật gì lạ hay không.
Khám lâm sàng chưa ghi nhận bất thường, Xquang ngực thẳng ghi nhận có dị vật cản quang ở thực quản .Ngày 20/04/2012 vừa qua, đơn vị nội soi Khoa Tiêu Hóa phối hợp với Bác sĩ Khoa Tai mũi họng tiến hành nội soi lấy được một dị vật ở thực quản . Sau khi lấy được dị vật, bé ăn uống được, không ói và xuất viện ngày 23/04/2012.
Trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ thường hay bỏ những thứ chúng có trong tay vào miệng. Khi trẻ nuốt, những vật này trở thành dị vật đường tiêu hóa.
Dị vật đường tiêu hóa, nhất là dị vật thực quản, là một cấp cứu có tính phổ biến, là một tai nạn thực sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao.
Ở trẻ lớn, sau khi nuốt dị vật, trẻ cảm thấy khó chịu và thường chỉ được vị trí trẻ thấy đau. Ở trẻ nhỏ hay trẻ chậm phát triển tâm thần, trẻ mắc bệnh tự kỷ, trẻ có triệu chứng sặc, nuốt khó đột ngột, không chịu ăn, hay ói, chảy nước dãi, nước bọt có máu hoặc các triệu chứng của đường hô hấp như khò khè, khó thở. Nếu dị vật ở đoạn ngực (thực quản), trẻ lớn có thể thấy đau sau xương ức, đau xiên ra sau lưng, lan lên bả vai. Dị vật nằm lâu trong thực quản có thể gây nuốt khó, ho kéo dài, hay ói khi ăn và gây các biến chứng như viêm tấy quanh thực quản đoạn cổ, viêm thực quản, biến chứng ở phổi ( tràn mủ màng phổi,…).
Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào chụp X quang tư thế cổ thẳng và nghiêng, có thể thấy dị vật ở thực quản trong phần lớn các trường hợp.
Điều trị dị vật thực quản tùy thuộc vào tuổi của trẻ, loại, kích thước và hình dáng dị vật nuốt vào, vị trí mà dị vật bị kẹt lại, biến chứng do dị vật gây ra mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị thích hợp.
Dị vật thực quản là một cấp cứu Ngoại khoa, thực sự nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhi, cần được khám và điều trị kịp thời. Do đó, quý phụ huynh cần lưu ý chọn đồ chơi an toàn cho con em mình, theo dõi quan sát khi trẻ chơi. Nếu trẻ có các triệu chứng đột ngột như sặc, nuốt khó như mô tả ở trên quý phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay.
Đăng bởi: Ths.Bs.Nguyễn Thị Diệu Vinh - Khoa Tiêu hóa
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024