Tinh hoàn ẩn có thể gây xoắn tinh hoàn
Ngày đăng: 30/07/2013
Lượt xem: 15306
Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn không xuống bìu, có thể nằm trong bụng hoặc trong ống bẹn. Tinh hoàn ẩn có hai loại: sờ thấy và không sờ thấy ở vùng bẹn. Tinh hoàn ẩn chiếm 30% ở trẻ sanh non, 3% ở trẻ sanh đủ tháng và chỉ còn 1% ở trẻ 1 tuổi. Tinh hoàn ẩn có thể gây xoắn tinh hoàn, dễ bị tổn thương tinh hoàn hơn trong trường hợp chấn thương, nguy cơ vô sinh và hóa ác cao.
Nguyên nhân : gây nên tinh hoàn ẩn là do bất thường quá trình di chuyển tinh hoàn từ bụng xuống bìu đi ngang qua ống bẹn diễn ra trong thời kì bào thai.
Chẩn đoán:
- Cơ năng: người nhà thấy bìu lép, không sờ thấy tinh hoàn trong bìu của bé.
- Thực thể: nhìn thấy bìu lép, da bìu thiểu sản; sờ không thấy tinh hoàn trong bìu, có thể sờ thấy tinh hoàn trong ống bẹn hoặc không sờ thấy.
- Siêu âm: giúp xác định kích thước và vị trí tinh hoàn, tuy nhiên ít có giá trị trong những trường hợp tinh hoàn không sờ thấy.
- Trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên kèm theo lỗ tiểu thấp cần làm thêm xét nghiệm nhiễm sắc thể để loại trừ lưỡng giới.
Chẩn đoán phân biệt:
- Tinh hoàn di động: tinh hoàn có lúc sờ thấy ở bìu, có lúc lại rút lên ống bẹn.
- Tinh hoàn lạc chỗ: thường nằm ở đùi, tầng sinh môn hay trước xương mu, do đó khi thăm khám phải hết sức chú ý tránh bỏ sót.
- Phì đại âm vật ở nữ: bệnh cảnh lỗ tiểu đóng thấp, tinh hoàn ẩn hai bên không sờ thấy, cần làm nhiễm sắc thể để phân biệt giữa phì đại âm vật ở nữ do tăng sinh tuyến thượng thận hay lỗ iểu thấp ở nam kèm theo tinh hoàn ẩn hai bên.
Xử trí:
- Điều trị nội tiết tố HCG ít hiệu quả.
- Phẫu thuật mổ mở cho tinh hoàn ẩn sờ thấy từ 6 tháng tuổi và tinh hoàn ẩn không sờ thấy qua nội soi từ 1 tuổi.
- Trường hợp đau vùng bẹn đột ngột ở trẻ có tinh hoàn ẩn nguy cơ xoắn tinh hoàn rất cao cần được phẫu thuật thám sát.
- Không có chỉ định phẫu thuật đối với tinh hoàn di động.
Theo dõi và tái khám:
- Biến chứng: chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, tụ máu bẹn bìu. Có một tỉ lệ nhất định teo tinh hoàn về sau cũng như tái phát tinh hoàn rút lên ống bẹn.
- Tái khám:
+ Toa về với thuốc giảm đau.
+ Tái khám 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng.
Một số hình ảnh tinh hoàn ẩn
Bìu lép bên phải
Khám ống bẹn tìm tinh hoàn
Tinh hoàn lạc chỗ tầng sinh môn
Phì đại âm vật
Cố định tinh hoàn xuống bìu
Đăng bởi: Ths.Bs.Phạm Ngọc Thạch - PP.KHTH
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021