Bấm vào hình để xem kích thước thật

Giúp trẻ khỏe mạnh trong mùa lạnh

Ngày đăng:  27/01/2014

 
Lượt xem: 22761

Vào thời điểm cuối năm này, thời tiết trở lạnh nhiều. Buổi sáng sớm thức dậy nhiệt độ giảm chỉ còn 18 – 19 độ C . Với tiết trời như thế, cả người lớn lẫn trẻ em đều dễ bị cảm lạnh, biểu hiện bởi hắt xì, sổ mũi, ho, sốt nhẹ. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi dễ bị mắc bệnh viêm tiểu phế quản, là bệnh do siêu vi gây ra, gây nên ho, khò khè, khó thở.

Trẻ càng nhỏ (dưới 6 tháng tuổi) bệnh càng dễ trở nặng. Đối với những trẻ lớn hơn 2 tuổi có cơ địa dị ứng sẵn, đây là thời điểm dễ xảy ra các cơn hen suyễn kịch phát theo mùa và làm nặng thêm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng đã có từ trước. Tuy nhiên viêm phổi vẫn là bệnh phổ biến nhất có ở tất cả các lứa tuổi, dễ bị nặng ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.

 

Số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa Hô hấp bệnh viện Nhi đồng 2  dao động từ 150-200 bệnh nhân, đa số là viêm phổi, viêm tiểu phế quản và suyễn. Tuy trẻ mắc bệnh nhiều, nhưng tỷ lệ nhập viện không tăng cao  do đa số bệnh nhi được bác sĩ cho điều trị ngoại trú tại nhà và hẹn tái khám.

 

Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể giảm, hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu không đủ sức chống lại sự tấn công của siêu vi, vi khuẩn … từ môi trường bên ngoài và hậu quả là cơ thể bị mắc bệnh. Nếu được giữ ấm đúng cách hoặc khi thời tiết giá lạnh đi qua (thường từ tháng 3 trỡ đi), cơ thể sẽ phục hồi lại sức đề kháng.

 

Nguyên tắc để phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp chính là tăng cường sức đề kháng và hạn chế tiếp xúc nguồn lây, được thực hiện bằng cách: giữ ấm cơ thể đúng mức (không để cho quá nóng đến mức đổ mồ hôi), không tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp, rửa tay sạch sẽ trước  khi ăn và sau khi chạm vào các vật dụng nơi công cộng như: tay nắm cửa vòi nước, bàn ghế…tránh xa các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng tập thể dục.

 

Đối với trẻ đang mắc bệnh, dù cơ thể đang mệt mỏi, trẻ biếng ăn, ăn dễ bị ói, cha mẹ vẫn cần giúp trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng bằng cách chia nhỏ các cử ăn để trẻ dễ hấp thu, đỡ bị ói, nhằm bảo đảm hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt, mau đẩy lùi bệnh.

 

Ngoài ra, cần tuân thủ đúng theo toa thuốc bác sĩ đã kê, không tự ý ngưng sớm khi bệnh vừa có dấu hiệu thuyên giảm để tránh sinh ra kháng thuốc hoặc bệnh trở nặng hơn.

 

Trẻ sơ sinh sức đề kháng của cơ thể còn yếu kém nên trẻ dễ mắc bệnh và bệnh thường trở nặng. Vì trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn nên người mẹ cần ăn uống cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng kể cả rau xanh và trái cây tươi để tăng cường lượng vitamin thiên nhiên.

 

Vời dịch cúm gia cầm vẫn còn lưu hành thì nhất thiết phải sừ dụng các sản phẩm gia cầm có uy tín, nấu nướng kỹ, phải rửa tay sạch sẽ sau khi sơ chế và trước khi ăn và tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện nghi ngờ cúm, dù đa số chỉ mắc bệnh cúm mùa.

Đăng bởi: Ths.Bs.Bùi Nguyễn Đoan Thư - Khoa Hô hấp chuyên sâu

[Trở về]

Các tin khác