Tinh hoàn ẩn 2 bên ở trẻ 8 tháng
Ngày đăng: 04/05/2015
Lượt xem: 27386
Câu hỏi:
Chào các bác sỹ ngoại khoa !
Con trai em hiện 8 tháng rưỡi tuổi,vừa rồi cháu siêu âm thấy bị ần tinh hoàn cả 2 bên ở 2 bên vùng bẹn, kích thước tinh hoàn 17x8mm ở bẹn phải, và 17x7mm ở bẹn bên trái.Liệu kích thước này là bình thường ko ?.
Tôi ở Quảng Ngãi, đi vào khó khăn nên muốn hỏi cụ thể trước khi ôm cháu vào bệnh viện Nhi Đồng 2 phẫu thuật.Bé 8 tháng rưỡi tuổi đã được mổ chưa ? Vì bác sỹ ở ngoài quê tôi nói nên mổ trước 1 tuổi để tốt cho bé.
ẩn cả 2 bên tinh hoàn thì mổ 1 lần hay phải mổ 2 lần ?
Bé có ảnh hưởng gì sau khi mổ ko ?
Mong bác sỹ giải đáp thắc mắc vì bé còn nhỏ,đi xe đò đường dài nên ôm cháu đi khó khăn.
Mong câu trả lời sớm! Xin cảm ơn bác sỹ !
Trả lời:
Chị Nương thân mến,
Đầu tiên xin lỗi chị vì trả lời thư hơi chậm.
Tinh hoàn ẩn là gì?
Trong thời kỳ phôi thai, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn vào vị trí bình thường là bìu. Nếu trong quá trình này tinh hoàn gặp phải một sự cố gì đó mà nằm lại ở bụng, ở bẹn thì gọi là tinh hoàn ẩn.
30% các bé sinh non bị tinh hoàn ẩn, ở trẻ sinh đủ tháng tỉ lệ là 3%. Khoảng 70% trường hợp tinh hoàn ẩn sẽ xuống bìu trong những tháng đầu. Sau 1 tuổi tỉ lệ này rất ít.
Nếu không điều trị, bệnh sẽ gây biến chứng gì?
Có thể kể một số biến chứng đáng tiếc như:
* Xoắn tinh hoàn, phải cắt bỏ tinh hoàn nếu bị hoại tử.
* Hóa ác (ung thư). Nguy cơ hóa ác của một tinh hoàn ẩn cao gấp 22-40 lần so với tinh hoàn nằm ở bìu. Đặc biệt, nếu tinh hoàn nằm trong ổ bụng thì nguy cơ hóa ác càng cao, do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn ở bìu sẽ làm tinh hoàn không phát triển và giảm số lượng tế bào mầm. Ngoài ra, khi bị tinh hoàn ẩn một bên thì tinh hoàn còn lại cũng có nguy cơ hóa ác đến 25%.
* Giảm khả năng sinh sản, gặp trong tinh hoàn ẩn một bên hoặc cả hai bên. Các số liệu cho thấy trong các trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên đã điều trị phẫu thuật, chỉ 25% có số lượng tinh trùng bình thường.
Vì thế nguy cơ vô sinh là khá cao đối với những trường hợp không điều trị. Một báo cáo năm 1975 cho thấy tỉ lệ có con (tự nhiên) là 90% khi được điều trị ở giữa 1-2 tuổi, 50% ở giữa 2-3 tuổi, 40% giữa 5-8 tuổi, 30% giữa 9-12 tuổi và chỉ còn 15% khi quá 15 tuổi.
Cách nhận biết tinh hoàn ẩn?
Đơn giản nhất là sờ bìu của bé khi đứng mà không thấy tinh hoàn. Khi bé nằm, sờ lên vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động.
Khi thấy hiện tượng trên, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện nhi để được bác sĩ khám. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho siêu âm kiểm tra kích thước và vị trí tinh hoàn ẩn.
Các dấu hiệu để nhận biết tinh hoàn ẩn bị xoắn?
Trẻ đột nhiên đau thắt dữ dội vùng tinh hoàn ẩn (thường ở vùng bẹn), sờ đau và trẻ không cho sờ, đôi khi kèm theo nôn ói.
Phương pháp và thời điểm thích hợp để điều trị?
* Đối với tinh hoàn ẩn ở vùng bẹn có hai phương pháp. Ở trẻ dưới 1 tuổi có thể dùng phương pháp nội khoa, bác sĩ sẽ tiêm nội tiết tố HCG để kích thích tinh hoàn đi xuống. Tuy nhiên hiệu quả chỉ khoảng 20% và có một số chống chỉ định, nên hiện nay phần lớn tinh hoàn ẩn được giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa, tức là phẫu thuật đưa tinh hoàn ẩn xuống cố định ở bìu. Thời điểm thích hợp để phẫu thuật là 1 tuổi, vì sau 1 tuổi tinh hoàn ẩn bắt đầu phát triển theo chiều hướng xấu đi, các tế bào mầm giảm số lượng.
* Với tinh hoàn ẩn trong ổ bụng thì phẫu thuật, nội soi rất tiện lợi.
Trường hợp tinh hoàn ẩn phát hiện sau tuổi dậy thì, cách giải quyết ra sao?
Thường là cắt vì lúc này tinh hoàn ẩn đã mất chức năng và có nguy cơ hóa ác, sau đó đặt tinh hoàn nhân tạo.
Địa chỉ liên hệ để điều trị tinh hoàn ẩn?
Con chị mới 8 tháng tuổi nên anh chị cũng chưa cần phải lo lắng quá, hoặc là chị có thể đôi đến lúc bé 1 tuổi rồi cho bé đi khám luôn, hoặc là chị có thể khám chuyên khoa ngoại niệu vào chiều thứ 5 hàng tuần lúc 13g để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn cặn kẽ hơn.
Trong giai đoan đến 1 tuổi, chị chú ý các triệu chứng của xoắn tinh hoàn vừa nên trên để đưa bé đi khám sớm.
Con chị bị tinh hoàn ẩn 2 bên nên sẽ có 2 đường mổ 2 bên nếp bẹn thấp của bé, mỗi bên khoảng 3-4cm.
Về vấn đề sau mổ thì có thể có trường hợp bé bị nhiễm trùng vế mổ nhưng hiếm, về khả ăng sinh sản thì đã trình bày ở mục trên chị tham khảo thêm.
Bệnh này có thể mổ và về trong ngày, anh chị có thể liên lạc số điện thoại 08.22103982 để biết thêm chi tiết.
Thân ái
Trả lời bởi: BS Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Gãy xương lồi cầu ngòa 14/05/2016
Phẫu thuật lõm ngực 12/05/2016
Nhọt tụ mủ vùng da đầu 11/05/2016
Rốn lồi và khối phồng ở bẹn ở trẻ 2 tháng 09/05/2015
Bé 5 tháng tia tiểu nhỏ hơn lúc trước 07/05/2015
Xử trí tinh hoàn ẩn ở trẻ 4 tháng 03/05/2015