Trẻ bị ho gà tăng mạnh, cha mẹ có thể mất con nếu lơ là không tiêm vắc-xin
Ngày đăng: 15/05/2018
Lượt xem: 5455
Thời gian qua, lượng bệnh nhân bị ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng cao, đỉnh điểm lên tới 5 trẻ/ngày. Hầu hết trẻ khi đến đây đã biến chứng viêm phổi nặng, điều trị gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể từ sau Tết, số lượng trẻ nhập viện vì ho cơn, sau đó được xác định trong dịch tiết hầu họng có nhiễm vi khuẩn Bordetella pertussis ngày càng tăng. Trong tháng 2 chỉ có 6 ca, tuy nhiên hai tháng gần đây đã tăng trung bình 15–16 ca. Đỉnh điểm, có ngày lượng nhập viện điều trị nội trú vì ho gà lên đến 5 bệnh nhi.
"So với cùng kỳ, lượng bệnh nhân tăng mạnh. Việc các ca ho gà xuất hiện liên tục sau một thời gian dài im ắng là điều đáng lo ngại, bởi hiện nay có chủng ngừa ho gà và chủng ngừa có tác dụng rất tốt. Lứa tuổi gặp chủ yếu là dưới 3 tháng tuổi (chiếm trên 90%). Nhiều bệnh nhi vẫn chưa được chích ngừa dù đã đủ tuổi. Trẻ mắc bệnh chủ yếu do lây lan từ người chăm sóc, mà phần lớn là cha mẹ" – Bác sĩ Việt nói.
Ngồi tại phòng nhận bệnh, mẹ bé N.T.S (2 tháng tuổi, quê Quảng Ngãi) lo lắng nhìn các bác sĩ thăm khám cho con. Gần 2 tuần nay, bé được điều trị ho gà tại đây nhưng vẫn chưa được xuất viện.
"Hôm đó người dì 9 tuổi đi học về thì ho mấy ngày liên tục, rồi đến lượt tôi và con tôi ho theo. Bé ho dai dẳng kéo dài, khò khè tím mặt rồi bỏ bú. Sợ quá tôi mới đưa lên Đà Nẵng trị 10 ngày nhưng vẫn không khỏi, rồi mới chuyển đến đây" – người mẹ kể.
Tại BV Nhi Đồng 2 dựa trên chẩn đoán ban đầu, bé được đưa đến điều trị tại khoa Hô Hấp. Tuy nhiên khi nơi đây tiến hành các xét nghiệm, phát hiện S. bị ho gà và chuyển đến khoa Nhiễm thì bệnh nhi đã bị biến chứng viêm phổi nặng. Gần hai tuần điều trị liên tục bằng kháng sinh và thở oxy, đến nay tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã dần cải thiện.
Theo bác sĩ Việt, triệu chứng của ho gà không phải lúc nào cũng điển hình. Nhất là ở người lớn, nhiều trường hợp chỉ ho nhẹ và dai dẳng kéo dài, khiến kể cả bác sĩ cũng lầm tưởng là bệnh liên quan đến hô hấp. Nghĩ bệnh con không nghiêm trọng, thay vì đưa trẻ đi thăm khám, một số cha mẹ chọn cách tự điều trị. Điều này dẫn đến thời gian bệnh kéo dài và khi được đưa vào bệnh viện thì tình trạng trẻ đã nặng.
"Ho gà nếu không điều trị kịp thời có thể khiến trẻ bị xuất huyết kết mạc, xuất huyết não và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Biến chứng sang viêm phổi nặng cũng khiến quá trình chữa bệnh gặp khó khăn hơn, bởi phải kết hợp thêm các loại thuốc khác trong điều trị" – Bác sĩ Việt thông tin.
Theo trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, trước diễn biến phức tạp của bệnh đòi hỏi ngành y tế cần truyền thông tốt hơn đến người dân về lợi ích của chủng ngừa ho gà. Hiện nay có hai loại vắc-xin chính ngừa bệnh này là loại có thời hạn và không thời hạn.
Phụ huynh cần theo dõi và thực hiện đúng theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Cụ thể, trẻ sẽ được tiêm mũi đầu tiên vào 2 tháng tuổi, sau đó là 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.
Vì ho gà lây lan qua đường hô hấp nên bác sĩ khuyên phụ huynh tránh để trẻ tiếp xúc với người bị ho. Khi phát hiện có người nào ho kéo dài trên hai tuần thì nên nghi ngờ đó là ho gà để đưa đi thăm khám, điều trị kịp thời.
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 sẵn sàng phối hợp cùng ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa trong chăm sóc sức khỏe trẻ em 25/10/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện nội soi phế quản phát hiện trường hợp u ác phế quản phổi hiếm gặp 24/10/2024
Điều kỳ diệu của cuộc sống 17/10/2024