Khi nào nên nội soi dạ dày – tá tràng cho trẻ bị đau bụng mạn?
Ngày đăng: 14/12/2020
Lượt xem: 12599
Mỗi ngày, phòng khám Tiêu Hóa của BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận rất nhiều trẻ vì lý do đau bụng kéo dài và phụ huynh thường rất lo lắng, muốn thực hiện nội soi dạ dày - tá tràng để chấn đoán. Tuy nhiên, chỉ định nội soi dạ dày tá tràng cần phải được xem xét bởi bác sĩ chuyên khoa Tiêu Hóa sau khi đã thăm khám kĩ lưỡng vì đây là một thủ thuật xâm lấn và phải gây mê.
Nội soi dạ dày - tá tràng là phương pháp chẩn đoán, thăm khám trực tiếp hệ tiêu hóa được thực hiện bằng cách bác sĩ sẽ luồn một ống soi mềm qua đường miệng hoặc mũi để khảo sát hình ảnh niêm mạc phần trên ống tiêu hóa từ thực quản đến tá tràng. Đối với trẻ em thì việc nội soi thường được thực hiện với tình trạng gây mê ngắn khoảng 5-10 phút với kích thước ống soi nhỏ hơn người lớn. Tuy nhiên, gây mê cũng liên quan đến các nguy cơ khi sử dụng các loại thuốc mê như dị ứng hay thậm chí là sốc phản vệ với thuốc mê nên chỉ định nội soi dạ dày tá tràng cần phải được cân nhắc bởi bác sĩ chuyên khoa Tiêu Hóa và trẻ nên được thực hiện nội soi ở cơ sở y tế có trang thiết bị cấp cứu đầy đủ như BV Nhi Đồng 2.
Đau bụng mạn ở trẻ em là đau bụng kéo dài, tái đi tái lại ít nhất 1- 2 tháng. Nguyên nhân thường gặp nhất gây đau bụng mạn ở trẻ em 80% là đau bụng chức năng (không phải bệnh lý thực thể) và không cần sử dụng thuốc điều trị.
Hình 1. Phòng khám chuyên khoa Tiêu Hóa – Bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi ngày tiếp nhận rất nhiều trẻ đến khám vì đau bụng mạn.
Hình 2. Qui trình thực hiện nội soi dạ dày – tá tràng
Những dấu hiệu cảnh báo ở trẻ em đau bụng mạn cần thực hiện nội soi dạ dày tá tràng bao gồm:
- Đau bụng kéo dài ở trẻ > 5 tuổi
- Đau vùng thượng vị, đau liên quan đến ăn uống, cơn đau gây thức giấc buổi tối
- Ói mửa nặng hoặc ói máu hoặc tiêu máu
- Gia đình có cha mẹ bị ung thư dạ dày
- Có thành viên trong gia đình bị viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp)
- Có dùng thuốc kháng viêm non - steroide hoặc corticoide thường xuyên.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Chậm tăng trưởng không rõ nguyên nhân
Sau khi thăm khám và làm thêm một số xét nghiệm, BS chuyên khoa Tiêu hoá sẽ cân nhắc nội soi dạ dày – tá tràng hay không.
Trong quá trình nội soi trẻ sẽ được chụp lại hình ảnh tổn thương niêm mạc dạ dày tá tràng, sinh thiết niêm mạc dạ dày làm Clotest tìm vi khuẩn Hp và quan trọng nhất là đem nuôi cấy Hp để có kháng sinh đồ phục vụ cho việc điều trị Hp sau này. Có thể nói nội soi dạ dày cho trẻ ở đây không chỉ để chẩn đoán bệnh mà còn rất có ý nghĩa cho điều trị và tiên lượng bệnh về sau.
Một số điểm lưu ý trước khi muốn thực hiện nội soi dạ dày - tá tràng cho trẻ đau bụng mạn là trẻ phải được nhịn đói ít nhất 8 tiếng, không sử dụng kháng sinh trước đó ít nhất 1 tháng hay các loại thuốc PPI ức chế acid dạ dày như Omeprazole, Esomeprazole... ít nhất 2 tuần.
Hiện nay, nội soi dạ dày - tá tràng ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 được thực hiện rất nhanh chóng và thuận tiện. Phụ huynh có thể đưa các bé với triệu chứng đau bụng mạn (đã được nhịn ăn ít nhất 8 giờ) đến phòng khám Chuyên khoa Tiêu Hóa P.433 - BV Nhi Đồng 2 vào Thứ Tư hàng tuần trước 8 giờ sáng. Sau khi bác sĩ thăm khám và thấy trẻ đủ tiêu chuẩn có thể cho trẻ được nội soi ngay trong ngày.
BS. Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Tiêu Hóa
Đăng bởi: Thúy Nguyễn
Các tin khác
Lập kế hoạch nếu Bạn bị dị ứng thức ăn 20/06/2018
Xử trí khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy 08/04/2018
PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DỊP LỄ TẾT 10/02/2018
Tìm hiểu về Salmonella 14/08/2016
Nhiễm khuẩn H.P (Helicobacter pylori) dạ dày 13/04/2015
Bảo đảm rằng trẻ được đủ nước. 06/12/2012
Tìm hiểu về mất nước ở người lớn. 06/06/2012
Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị mất nước 03/06/2012