Những điều phụ huynh cần biết khi chăm sóc trẻ sốt tại nhà
Ngày đăng: 19/03/2024
Lượt xem: 2535
Sốt là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, khi đó nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường. Nhiệt độ khi đo ở nách (trán) > 37,5 °C, ở miệng (tai) hoặc hậu môn > 38°C.
Sốt ở trẻ em do nhiều nguyên nhân gây nên như nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn (thường gặp), mất nước, say nắng... Biểu hiện khi trẻ sốt tùy theo nhiệt độ, có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Hầu hết trẻ sẽ có các dấu hiệu: mệt mỏi hoặc kích thích, quấy khóc, biếng ăn, sờ nách hoặc bụng trẻ thấy ấm, nóng, đôi khi lòng bàn tay, bàn chân lạnh, nặng hơn có thể nói sảng, co giật, thở nhanh, lừ đừ.
Để giúp phụ huynh chăm sóc trẻ sốt tại nhà đúng cách, ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Kiều – Phó Trưởng khoa Cấp cứu có những thông tin cần lưu ý:
►Những điều phụ huynh nên làm khi chăm trẻ sốt tại nhà:
1.. Theo dõi nhiệt độ và cho hạ nhiệt khi cần thiết:
- Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên. Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt.
- Dùng thuốc hạ nhiệt khi sốt trên 380C, trẻ khó chịu: Paracetamol dạng uống và dạng đặt hậu môn với liều 10-15 mg/kg/ lần (4-6 giờ/ lần), tối đa 500mg/lần.
- Lau người bằng nước ấm khi sốt quá cao gây khó chịu, khi trẻ co giật, có nguy cơ sốt co giật và ngưng lau ấm khi thân nhiệt xuống dưới 38,5oC (nhiệt độ nước lau mát nên thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2oC, thời gian lau khoảng 15 phút, tập trung ở cổ, nách, bẹn). Với trẻ sơ sinh không lau mát vì dễ gây mất nhiệt dẫn đến hạ thân nhiệt.
2. Bù nước đầy đủ: Cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước trái cây, nước súp, oresol..), trẻ còn bú mẹ thì cho bú nhiều hơn, ăn uống đầy đủ các nhóm thực phẩm.
3. Đưa trẻ đến bệnh viện trong những trường hợp sau: Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt; sốt từ 2 ngày, sốt không kiểm soát được nhiệt độ dù đã cho uống thuốc hạ sốt; cho trẻ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu nguy cơ nặng (lừ đừ, li bì, khó đánh thức, nôn ói nhiều, co giật, thở nhanh, rút lõm ngực…).
►►Những điều phụ huynh KHÔNG NÊN làm khi chăm trẻ sốt tại nhà:
- Không nên cho trẻ mặc nhiều quần áo hoặc quấn kín trẻ.
- Không nặn chanh, đổ nước, đổ thuốc vào miệng khi trẻ đang co giật.
- Không chườm mát bằng nước đá, rượu; không cạo gió, cắt lễ.
- Không nên nóng vội dùng nhiều thuốc hạ sốt có chung thành phần (ví dụ sử dụng Paracetamol nhét hậu môn và uống cùng lúc), đảm bảo khoảng cách liều hạ sốt theo hướng dẫn, không uống liên tiếp nhiều lần vì khiến trẻ bị quá liều, có nguy cơ ngộ độc thuốc.
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Sốt siêu vi trẻ em và cách chăm sóc trẻ 22/11/2024
Hưởng ứng Tuần lễ làm mẹ an toàn 01/10/2024
Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7 11/07/2024
Các mũi tiêm ngừa cần thiết cho trẻ 24/10/2023