Tiêm vắc xin để chủ động phòng bệnh sởi
Ngày đăng: 06/09/2024
Lượt xem: 1263
Nhằm bảo vệ sức khoẻ trẻ em, bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi xuyên lễ Quốc khánh 02/9 . Chia sẻ từ BS.CK2 Hoàng Nguyên Lộc, Trưởng Khoa Sức khoẻ trẻ em của bệnh viện, tính đến sáng nay (ngày 04/9) khoa vẫn tiếp nhận thêm nhiều trường hợp đến tiêm ngừa sởi.
Theo số liệu của bệnh viện, trong số các trường hợp nhập viện điều trị sởi đã có 87 trường hợp được xuất viện. Hiện bệnh viện đang tiếp tục điều trị cho 19 trường hợp bệnh nhi mắc sởi. Trong số này có 16 trường hợp bệnh nhi dưới 5 tuổi, hầu hết chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng bệnh.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh nguy hiểm với trẻ em, nhất là trẻ có bệnh nền. Đường lây bệnh sởi từ dịch tiết hô hấp của người bệnh như ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt,…. Các biến chứng của bệnh gồm: viêm phổi; viêm não – màng não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc,...thậm chí có thể gây tử vong.
Đang trong thời điểm tựu trường, ThS.BS Nguyễn Đình Qui – Phó Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện tiếp tục khuyến các dấu hiệu nhận biết, cách phòng bệnh sởi đến quý phụ huynh.
Phụ huynh lưu ý khi trẻ có các triệu chứng sau cần nghi ngờ bệnh sởi:
- Trẻ sốt từ 2 – 3 ngày, đồng thời có phát ban từ sau tai lan xuống mặt đến cổ, ra trước ngực, bụng và toàn thân;
- Kèm theo một trong 03 triệu chứng: ho, chảy mũi, đỏ mắt;
Tiêm vắc xin là biện pháp chủ động phòng bệnh sởi. Phụ huynh cần rà soát lại lịch tiêm ngừa của trẻ. Trẻ cần tiêm ngừa mũi vắc xin sởi đầu tiên lúc 9 tháng tuổi và mũi vắc xin sởi-rubella lúc 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó phụ huynh nên cho trẻ đeo khẩu trang khi đến khu vực đông người; phụ huynh cần vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh sởi để tránh lây lan cho cộng đồng.
Đăng bởi: BS.CK1.PHAN NGUYỄN NGỌC TÚ
Các tin khác
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024