Bấm vào hình để xem kích thước thật

Hưởng ứng Ngày thị giác thế giới

Ngày đăng:  07/10/2024

 
Lượt xem: 908

Bệnh viện Nhi đồng 2 hưởng ứng Ngày thị giác thế giới năm 2024

Thông điệp hưởng ứng: "Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em"

 

Ngày Thị Giác Thế Giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực, và phục hồi chức năng thị giác. Hướng đến mục tiêu “Quyền được nhìn thấy cho mọi người vào năm 2030”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Tổ chức Phòng Chống Mù Lòa Quốc tế đã chọn ngày thứ Năm của tuần thứ hai trong tháng 10 hàng năm là Ngày Thị Giác Thế Giới.

Năm nay, Ngày Thị Giác Thế Giới (10/10/2024) có chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe mắt cho trẻ em, đảm bảo các dịch vụ y tế dễ tiếp cận và chi phí hợp lý cho tất cả trẻ em trên toàn thế giới.

Con số đáng chú ý về sức khỏe mắt trẻ em

Hiện có khoảng 450 triệu trẻ em trên toàn thế giới mắc các bệnh về mắt cần điều trị, nhiều trẻ trong số đó không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng và phù hợp. Đặc biệt, trẻ em ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ bỏ học cao hơn 2-5 lần so với trẻ em có thị lực tốt. Mỗi ngày, nhiều trẻ em bỏ lỡ cơ hội học tập và kết nối xã hội chỉ vì các vấn đề về thị lực, những tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị hoặc thậm chí chữa khỏi.

Một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện khám mắt cho 1.230 học sinh từ mầm non đến phổ thông tại 7 quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong năm học 2023-2024. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ chiếm 54,3%, với tỷ lệ ở bậc mầm non là 26,3%, tiểu học là 47,3%, và cấp THCS, THPT cùng ở mức 70,9%.

Bảo vệ thị giác cho thế hệ tương lai

Giảm thời gian sử dụng màn hình và khuyến khích hoạt động ngoài trời: Nghiên cứu cho thấy việc giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử giúp trẻ em hạn chế nguy cơ bị cận thị. Cha mẹ và nhà trường có thể thực hiện điều này bằng cách hạn chế thời gian trẻ chơi game, xem tivi, và đảm bảo các hoạt động ngoài trời thường xuyên.

Nghỉ ngơi mắt theo nguyên tắc 20:20:20: Sau mỗi 20 phút đọc sách hoặc làm việc với máy tính, hãy cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn xa khoảng 20 feet (khoảng 6 mét).

Kiểm tra mắt thường xuyên: Trẻ em nên kiểm tra mắt định kỳ tại trường hoặc các cơ sở y tế khi có dấu hiệu mỏi mắt, nhìn mờ, hoặc nheo mắt. Bên cạnh đó, WHO đã phát triển ứng dụng di động miễn phí “WHOeyes”, giúp kiểm tra thị lực tại nhà một cách tiện lợi và chính xác, phù hợp với mọi đối tượng từ 8 tuổi trở lên.

Ngồi học đúng tư thế và nơi có đủ ánh sáng: Đảm bảo trẻ em ngồi học trên bàn ghế phù hợp và trong không gian đủ sáng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các tật về mắt.

Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt chú trọng đến các thực phẩm tốt cho mắt như cà rốt, cá giàu omega-3, và rau xanh.

Sử dụng dụng cụ bảo vệ mắt: Khi ra ngoài, trẻ cần đeo kính râm và đội nón để tránh tia cực tím. Ngoài ra, cần đeo kính bảo hộ khi tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm.

(Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – HCDC)


 

Đăng bởi: Nguyễn Tâm

[Trở về]

Các tin khác