Bệnh chốc lở ngoài da khá phổ biến ở trẻ em .
Ngày đăng: 15/11/2010
Lượt xem: 67267
Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ!
Con tôi hiện được 11,5 tháng tuổi. Lúc 10 tháng tuổi cháu bị sốt cao, ửng đỏ khắp người. Tôi cho cháu đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ khám, xét nghiệm máu và chuẩn đoán bị viêm mô tế bào, và yêu cầu cho bé nhập viện để theo dõi. Bé nằm điều trị tại bệnh viện 5 ngày thì mụn nhọt trên má vỡ và thoát dịch ra ngoài. Từ khi xuất viện về nhà đến nay được hơn 1 tháng, bé liên tục bị nổi mụn nhọt ở đầu, trán và mặt. Cứ mụn nhọt chỗ này to vỡ, lại nổi mụn nhọt ở chỗ khác, và nổi 2-3 mụn nhọt cùng một lúc ở nhiều chỗ khác nhau. Tuy nhiên mụn nhọt này không lớn như mụn nhọt lần cháu phải nằm bệnh viện, mụn nhọt này chỉ to bằng hạt đậu phộng. Ngoài ra, bé nhà tôi bị chàm sữa từ lúc 2 tháng tuổi đến nay chỉ giảm bớt nhưng chưa hết hẳn. Hiện tại tôi có bôi Fucicort (do bác sĩ ở bệnh viện Nhi đồng 2 kê toa) cho bé được 5 ngày để giúp da bé được lành lặn, không bị ngứa ngáy. Xin bác sĩ vui lòng cho tôi biết nguyên nhân vì sao cháu bị nổi mụn nhọt liên tục, có cách nào chữa trị để khỏi lây lan ra nhiều chỗ không? Cháu bị chàm sữa có ảnh hưởng gì đến nổi mụn nhọt không? Mong bác sĩ tư vấn giúp!
Trả lời:
Chào bạn.
Theo thông tin mà bạn mô tả, tôi nghĩ bé bị bệnh chốc lở (tên tiếng Anh là Impetigo). Đây là bệnh ngoài da khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh thường do nhiễm liên cầu khuẩn hay tụ cầu vàng.
Vị trí thường bị chốc là vùng đầu, mặt: hai bên má, xung quanh các lỗ tự nhiên, da đầu; ở tay chân. Bệnh gây ngứa nên các bé thường gãi nhiều và phát tán vi khuẩn đến các phần khác của cơ thể.
Biểu hiện ban đầu của bệnh chốc lở là các sẩn hồng ban hoặc dát đỏ, sau đó có bóng nước to bằng hạt đậu trở lên chứa dịch màu vàng trong, khoảng 24 giờ sau chuyển thành dịch đục và hóa mủ. Trong dịch chứa rất nhiều vi khuẩn. Bọng nước sẽ vỡ ra tự nhiên hay do cào gãi và đóng vảy tiết màu vàng, xung quanh vảy tiết thường có một viền vảy mỏng, hơi lõm ở trung tâm, giới hạn rõ. Bé có thể bị sốt cao nếu tình trạng nhiễm trùng là quan trọng. Bệnh hay để lại các vết thâm trên bề mặt da sau khi lành bệnh. Nếu không được chữa trị hoặc điều trị không đúng bệnh có thể kéo dài vài tuần, đôi khi đến vài tháng.
Yếu tố thuận lợi làm dễ phát sinh là da bé bị ẩm, bị trầy sướt do gãi (hay gặp khi cơ địa dị ứng, chàm) hoặc do côn trùng đốt,…
Để phòng bệnh, gia đình nên giữ da bé luôn sạch sẽ và khô ráo, cắt ngắn móng tay để bé không làm tổn thương da do gãi. Các đồ dùng cá nhân của bé như quần áo, khăn,… nên được cách ly để tránh lây lan.
Bệnh thường cần được điều trị bằng kháng sinh và theo dõi chặt chẽ vì vậy gia đình nên đưa bé đến khám tại phòng khám Da liễu BV Nhi Đồng 2 để bác sĩ có chẩn đoán và hướng xử trí tốt nhất cho bé. Không nên tự ý mua thuốc cho bé uống hoặc bôi thuốc tùy tiện dễ làm bệnh nặng hơn.
Chúc bé mau khỏi bệnh.
Trả lời bởi: ThS.BS.Nguyễn Thanh Hải - Khoa Khám Bệnh.
Các tin khác
Nhiễm trùng da 16/08/2014
Chàm da 06/08/2014
Sử dụng các xà phòng phù hợp ít bị dị ứng da 30/07/2014
Có cần cử kiêng khi bé bị chàm sữa? 28/07/2014
Chàm da có thể tái đi tái lại 26/07/2014
Rôm sảy thường xảy ra vào mùa nắng nóng, 04/07/2014
Nổi lấm tấm nốt đỏ hai bên gò má 01/07/2014
Dị ứng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé? 13/05/2014
Nhọt trên đầu của bé 08/04/2014