Bấm vào hình để xem kích thước thật

Bệnh tim bẩm sinh

Ngày đăng:  24/12/2010

 
Lượt xem: 45981

 

 Bệnh tim bẩm sinh là gì?

    Là dị tật ở tim (có thể tại vách tim hay van tim) và các mạch máu lớn, được phát hiện ngay sau khi sinh ra. Theo ước tính cứ 100 trẻ sinh ra sẽ có một trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Dị tật ở tim của trẻ đã xảy ra trong thời kỳ bào thai, trước khi trẻ được sinh ra. Tim bẩm sinh là một trong những dị tật bẩm sinh thường hay xảy ra nhất ở trẻ em.

 

   Được biết tim của trẻ bắt đầu hình thành, phát triển và hoàn chỉnh vào khoảng tuần thứ tám của bào thai. Dị tật tim bẩm sinh thường xảy ra trong tám tuần lễ đầu tiên của quá trình phát triển bào thai quan trọng này. 

Nguyên nhân nào gây dị tật tim bẩm sinh?

   Đại đa số các tật tim bẩm sinh thường không tìm thấy nguyên nhân. Các bà mẹ có thể thắc mắc và tự hỏi không biết mình đã làm gì (uống thuốc, tiếp xúc hóa chất gì), hay mắc bệnh gì trong thời gian mang thai mà gây ra tật tim bẩm sinh cho con mình. Trong hầu hết các trường hợp thường không tìm thấy được nguyên nhân nào có mối liên hệ rõ ràng với các tật tim bẩm sinh. 

   Có một số tật tim bẩm sinh thường xảy ra hơn, mang tính gia đình, vì vậy có thể có mối liên quan về di truyền đối với một số tật tim bẩm sinh. Các nhà khoa học nhận thấy có một số tật tim bẩm sinh có thể di truyền và đi kèm với các hội chứng đa dị tật như trong hội chứng Ehrles-Danlos, Noonan, Leopard, Ellis-Van-Creveld, Hunter,..   

   Cũng có một số tật tim bẩm sinh xảy ra có liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như trong hội chứng Down (có 3 nhiễm sắc thể 21), hội chứng Turner (XO, không có nhiễm sắc thể giới tính Y), hội chứng Klinefelter (XXY: có 2 nhiễm sắc thể X và 1 nhiễm sắc thể Y ); hay do đột biến gen.

   Một số tật tim bẩm sinh có thể sẽ xảy ra nếu người mẹ bị nhiễm siêu vi trong khi mang thai như nhiễm Rubella, Cytomegalo, Herpes, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ hay dùng một số thuốc như thuốc chống động kinh, Thalidomide, nội tiết tố sinh dục,... 

Các loại dị tật tim bẩm sinh:

   Các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể có từ dạng đơn giản đến dạng phức tạp. 

   Các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể được phân thành nhiều loại và cũng có nhiều cách phân loại dị tật tim bẩm sinh. Ngày nay người ta thường phân loại các dị tật tim bẩm sinh dựa theo ảnh hưởng của nó đối với các luồng máu chảy trong cơ thể của trẻ. 

   Các tật tim bẩm sinh ở trẻ em bao gồm:

1         Nhóm tim bẩm sinh không có luồng thông: trong nhóm này thường trẻ không bị tím, lượng máu lên phổi bình thường hoặc giảm, bao gồm Hẹp động mạch phổi, Hẹp động mạch chủ, Hẹp eo động mạch chủ

2         Nhóm tim bẩm sinh có luồng thông từ trái sang phải: có lỗ thông đưa máu đi từ

các buồng tim bên trái sang tim bên phải. Trong nhóm tim bẩm sinh này, lưu lượng máu đi qua phổi sẽ gia tăng (tăng tuần hoàn phổi) và thường không gây ra triệu chứng tím (trừ khi luồng thông đã bị đảo chiều do áp lực mạch máu phổi gia tăng cao hơn áp lực mạch máu của hệ thống). Bao gồm các dị tật tim bẩm sinh sau:

Ø       Còn ống động mạch (PDA: có ống thông nối từ cung ĐM chủ qua ĐM phổi).

Ø       Thông liên nhĩ (có lỗ thông giữa 2 tâm nhĩ) 

Ø       Thông liên thất (VSD: có lỗ thông giữa 2 tâm thất) là dị tật tim bẩm sinh hay gặp nhất        

Ø       Kênh nhĩ thất …

3         Nhóm tim bẩm sinh có luồng thông từ phải sang trái: có lỗ thông đưa máu đi từ

các buồng tim bên phải sang tim bên trái, thường gây ra triệu chứng tím và lưu lượng máu đi qua phổi có thể tăng (tăng tuần hoàn phổi) hay giảm (giảm tuần hoàn phổi).

§   Luồng thông từ phải sang trái với lưu lượng máu đi qua phổi tăng, bao gồm những dị

tật tim bẩm sinh như:

Ø       Chuyển vị đại động mạch (bình thường động mạch chủ xuất phát từ thất trái, động mạch phổi xuất phát từ thất phải, nhưng trong dị tật này thì ngược lại)

Ø       Bất thường tĩnh mạch phổi về tim (bình thường 4 tĩnh mạch phổi phải đổ về tâm nhĩ trái, nhưng trong dị tật này thì tất cả 4 tĩnh mạch phổi không đổ về tâm nhĩ trái hoặc chỉ có 2 tĩnh mạch phổi đổ về tâm nhĩ trái)

Ø       Tim một thất (tim chỉ có 1 buồng tâm thất)

Ø       Thiểu sản thất trái (tâm thất trái bị teo nhỏ)

Ø       Thân chung động mạch (cả 2 động mạch chủ và động mạch phổi cùng xuất phát từ một thân động mạch chung)

       §   Luồng thông từ phải sang trái với lưu lượng máu đi qua phổi giảm: bao gồm những

dị tật tim bẩm sinh có kèm theo hẹp động mạch phổi làm cho lưu lượng máu đi qua phổi giảm, bao gồm như:

Ø       Tứ chứng Fallot (bao gồm 4 dị tật là hẹp phổi, thông liên thất, động mạch chủ  

lệch phải cưỡi ngựa trên vách liên thất, phì đại thất phải) là dị tật tim bẩm sinh gây tím thường gặp nhất.

Ø       Teo van ba lá.

Ø       Teo van động mạch phổi...

Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh sẽ được điều trị như thế nào? (Còn tiếp)

Đăng bởi: BS.CKII.Trịnh Hữu Tùng - Trưởng phòng KHTH

[Trở về]

Các tin khác

Ngất ở trẻ 06/11/2011