Bấm vào hình để xem kích thước thật

Mùa hè cho trẻ chơi gì, học gì?

Ngày đăng:  12/06/2011

 
Lượt xem: 14120

      Vào mỗi mùa hè đa số các phụ huynh thường băn khoăn không biết làm gì để giữ cho con cái bận rộn mà vẫn có cơ hội học hỏi, vui chơi? Nếu không tìm chỗ để gửi con học môn này môn kia cho kín hết thời gian thì những đứa trẻ suốt ngày đi ra đi vào trong nhà than thở "chúng con buồn chán quá." Các em hết bật tivi, chơi game, gọi điện thoại cho bạn bè rồi lại ra đường, tụ tập nghịch phá..v..v…


             Nghỉ hè đem đến cho các gia đình nhiều rắc rối và cũng nhiều cơ hội tốt. Ðối với đa số các trẻ em đây là một giai đoạn trẻ tạm ngưng không muốn có những hoạt động về trí tuệ. Tuy nhiên đối với một số cha mẹ khác thì mùa hè là mùa dành để gò ép trẻ hoàn thiện những gì mà trong năm học vừa qua trẻ yếu kém hoặc chưa thực hiện được. Trong trường hợp trẻ đã quen lớn lên trong tình trạng được cha mẹ “ bồi bổ” liên tục bằng những môn học năng khiếu hay hoạt động vui chơi bên ngoài thì yếu tố gia đình nên được xây dựng lại. Mùa hè chính là thời gian tốt nhất để cha mẹ xây dựng mối tương quan với con cái. Và đây là cơ hội để cho trẻ em học hỏi thông qua mối quan hệ gắn bó với các thành viên trong gia đình cùng lớn lên với nhau.

Để có một mùa hè không buồn chán cho các em. Các phụ huynh hãy thực hiện một số điều sau đây. 

 

Giữ cho trẻ em tiếp tục phải suy nghĩ

 

Theo một nghiên cứu của Ðại học Missouri và Columbia trong 30 năm qua thì trẻ em bất kể chủng tộc hai phái tính mất đi khoảng một tháng về những gì chúng đã học được trong niên học trước đó trong thời gian ba tháng hè. Và theo Ðại học Cornell thì trẻ em dường như có thể mất đi một điểm về trị số thông minh I.Q. Sự mất mát này dĩ nhiên không vĩnh viễn, nhưng cũng cho thấy là một mùa hè không có chương trình bổ ích sẽ làm cho trí óc bị u mê.

Vấn đề đặc biệt thấy rõ nhất về toán và đánh vần, và nặng nhất vào lớp 4. So sánh với trẻ em có một mùa hè học hỏi hợp lý, số trẻ không làm gì sẽ thiệt thòi khi trở lại trường và số trẻ này sẽ không sẵn sàng để tập trung tốt vào việc học.

Ðối với cha mẹ câu trả lời không phải là trở thành thầy cô giáo dạy con học mà là tìm ra các phương thức khác nhau để giúp cho các bộ óc trẻ luôn luôn hoạt động và cả gia đình đều bận rộn tham gia vào việc học của bé.

Mùa hè là lúc con em chúng ta đem những kiến thức trẻ đã thu hoạch trong năm ra sử dụng theo những cách khác nhau. Ví dụ như so sánh giá cả giữa các chợ thực phẩm… có thể giúp trẻ  trau dồi khả năng tính toán. Ðo kích thước để dựng một cái nhà sàn trên cây hay phác họa một trò chơi giản dị có thể dạy trẻ về môn hình học. Các chuyến đi du lịch bằng xe Bus, xe taxi là dịp cho trẻ nghiên cứu bản đồ và ôn về địa lý, lịch sử.

Ðiều quan trọng là phụ huynh phải có kế hoạch trước. Khi chấm dứt niên học, nên gặp tất cả thầy cô của con mình hỏi về chương trình năm học kế tiếp trẻ nên tìm đọc sách gì để mua về cho trẻ tham khảo. Tìm hiểu các chương trình vui chơi, học tập mùa hè tại các nhà văn hóa, trung tâm, công viên để kích thích các em yêu thích môn nào và đăng ký tham gia.

Phụ huynh cần dung hòa một chút hiểu biết về sở thích của con mình với sự khuyến khích khéo léo. Chúng ta cần cho trẻ thấy là chúng ta muốn trẻ tham gia học hỏi bởi vì yêu thương trẻ và tin rằng trẻ có khả năng đó. Nếu trẻ nghĩ rằng trẻ phải học vì bị phạt hay để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ thì trẻ sẽ nổi loạn.

Không nên hoạch định quá nhiều chương trình hè:

Phụ huynh thích cho con tham gia trại hè, học piano, học hát, bơi lội, đá banh... Ðâu có gì sai lầm nếu chúng ta cho trẻ có một số hoạt động khác nhau và thời gian rộng rãi? Vấn đề đặc biệt là trẻ em có thể qúa bận rộn với những hoạt động được tổ chức chu đáo kỹ lưỡng như vậy khiến trẻ không còn biết làm sao để sử dụng những giờ phút nhàn rỗi của mình.

Trong khi đó thời gian nhàn rỗi lại là lúc trẻ có thể phát triển những sở thích và óc sáng tạo mới của trẻ. Dù là học sử dụng một nhạc cụ mới hay phát minh ra một trò chơi mới, phụ huynh cần cảm thấy thoải mái với ý tưởng là trước khi con em phải vất vả một chút và biết sử dụng óc sáng tạo thì chưa có thành quả nào có thể đạt được.

            Ngoài ra phụ huynh nên dành cho con mình có một số thời gian thật tự do không gò bó, trẻ sẽ có dịp để phát triển những kỷ niệm vui sướng về gia đình mà trẻ thường ấp ủ. 

 

Hãy làm cho những thú vui gia đình có ưu tiên số một

 

Một bữa ăn ngoài trời picnic, một trò chơi trốn tìm ngoài công viên, một giờ ngắm sao có thể giúp xây dựng một gia đình hòa thuận gắn bó. Điều này tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ giúp trẻ đủ sức theo đuổi năm học mới với chương trình học ngày càng nặng.

            Những ngày hè cha mẹ cũng nên dành thời gian phân bố lịch học cho trẻ sao cho đầy đủ về vận động, thư giãn giải trí, học tập và giáo dục đạo đức cũng như sự tự tin cho trẻ qua các môn kỹ năng. Các trẻ em có vấn đề ở trường thường ít tham gia vào công việc dọn dẹp gia đình và ngồi cả ngày dán mắt vào Tivi hay trò chơi game. Dường như các trại hè hay các trò chơi game không giúp ích gì cho sự phát triển của trẻ. Chính những giờ phút vui chơi trong gia đình lại có ảnh hưởng tốt đẹp đến trẻ. Các trại hè hay các chuyến đi du lịch quá đắt tiền và tốn kém. Một phụ huynh chia sẻ: chị đã cho con có giấc ngủ trưa thật sâu để đến tối con chị không ngồi ngáp khi cùng chị chơi một môn cờ tướng hay thi kể chuyện cười.

 

Cần phân chia trách nhiệm

 

Thường thì đa số các bậc cha mẹ lên kế hoạch chương trình mùa hè cho con chỉ chú tâm đến việc giải trí và tăng cường khối lượng kiến thức. Như vậy không giúp cho trẻ có thể trưởng thành, ý thức hơn với trách nhiệm trong gia đình hay trong cộng đồng xã hội. Những trẻ em thật sự thành công khi mà trẻ học cách biết hoạch định thời gian để giúp đỡ người khác "dù là giúp bác hàng xóm cho gà ăn hay giúp mẹ rửa chén, lau nhà hai tối trong một tuần.

Cha mẹ thường thất bại khi phân công trách nhiệm cho con em mình. Cha mẹ thường phân chia công việc như là hình phạt thay vì khuyến khích trẻ thử thách làm công việc đó. Nhiều phụ huynh đã cằn nhằn trẻ làm lâu thay vì cho trẻ một thời gian nhất định để hoàn thành.

Ðôi khi con em sẽ lầm lỗi, điều mà phụ huynh phải sẵn sàng chấp nhận. Chị Quỳnh giao cho hai con gái trách nhiệm săn sóc vườn rau. Con chị không đào luống rau đủ sâu, nên khi mưa to nước cuốn trôi hết mọi hạt giống. Thay vì tức giận chị Quỳnh đã dùng lỗi lầm đó làm một bài học cho hai con. Khi phải trồng lại luống rau khác thì con chị đã có một bài học quý giá về việc theo đúng lời chỉ dẫn của chị.

Có cha mẹ khác lại khuyến khích con em tình nguyện làm các việc từ thiện. Như đi xin quần áo cũ từng nhà cho người nghèo chẳng hạn. Việc từ thiện giúp cho con em gia tăng lòng tự trọng. Làm cho trẻ có cảm giác đã trưởng thành và biết tự chủ. Một đứa trẻ trưởng thành và biết tự chủ sẽ rất khó hư hỏng.

Phụ huynh của con em đang học các trường tiểu học, khoảng thời gian dài nhất để sinh hoạt với con em là mùa hè. Nếu có thời giờ chuẩn bị trước một chút, phụ huynh có thể dùng mùa hè để giúp cho trẻ phát triển thành những đứa trẻ biết tự lập, ý thức, có óc sáng tạo hơn và biết yêu thương hơn.

 

 

 

 

Đăng bởi: Kiều Thanh Hà-Chuyên viên tâm lý

[Trở về]

Các tin khác